25 tháng 6, 2007

Thi thiết kế tạo mẫu giày

Hiệp Hội da giày Việt Nam (LEFASO), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại), tạp chí Thời trang trẻ đã tổ chức cuộc thi thiết kế tạo mẫu giày mang tên “Nhịp bước thời đại” tại TP.HCM. Đây là cuộc thi đầu tiên có quy mô toàn quốc của ngành da giày.

Nghèo mẫu mã là một thực tế

Theo LEFASO, tổng lực lượng ngành giày dép cả nước hiện có trên 270 doanh nghiệp với 500.000 lao động, chưa kể các cơ sở nhỏ và hộ gia đình. Năm 2004 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam đạt 2,19 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2003. Tuy nhiên, niềm ưu tư lớn nhất lâu nay của ngành giày da Việt Nam vẫn là sự nghèo nàn về mẫu mã và thiếu thốn về thương hiệu.
Năm ngoái, 11 gian hàng giày Việt Nam tham gia hội chợ Duseldorf tại Đức, đã phải lép vế trước trên 200 gian hàng của người khổng lồ Trung Quốc. Mẫu giày Việt Nam hầu như na ná nhau, giá lại cao hơn của Trung Quốc 20-30%.
Trong thư ngỏ gửi cho cuộc thi, Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho biết: Từ trước đến nay, các sản phẩm giày được sản xuất trong nước chủ yếu theo mẫu mã nước ngoài và xuất hiện trên thị trường quốc tế dưới nhãn hiệu của các nước khác. Do vậy, vấn đề then chốt có tính chất quyết định tới sự phát triển của ngành giày là phải tạo dựng được một lực lượng thiết kế mẫu chuyên nghiệp, có đủ năng lực, trình độ tự thiết kế được khách hàng trong và ngoài nước chấp nhận”.
Theo nhận xét của LEFASO, đội ngũ thiết kế tạo mẫu giày hiện nay ở ta còn rất thiếu và yếu. Gọi là các “nhà tạo mẫu” cho sang trọng, nhưng phần lớn xuất thân từ công nhân, sau thời gian làm các dây chuyền sản xuất, được lựa chọn bồi dưỡng tại chỗ để làm ở bộ phận ra mẫu và phát triển sản phẩm. Những nhân viên này không được đào tạo có bài bản chuyên về thiết kế tạo mẫu giày, một số khác chỉ được tiếp thu trực tiếp qua các chuyên gia, các khóa ngắn hạn do doanh nghiệp cử đi học.
Hiện tại, nhu cầu về đội ngũ này ở các doanh nghiệp rất lớn. Chỉ riêng ở Công ty Biti’s Đồng Nai, đội ngũ cán bộ thiết kế, tạo mẫu, kỹ thuật viên tới trên 100 người. Các doanh nghiệp khác có quy mô lớn cần có số lượng tương tự.
Mặc dù thiếu thốn đội ngũ như vậy, nhưng đây cũng là ngành duy nhất không có trường lớp đào tạo kỹ thuật hay cử nhân thiết kế tạo mẫu. Hiện nay ngành giày thiếu vắng hẳn một lực lượng là những kỹ sư phác họa, mỹ thuật công nghiệp. Thiếu đội ngũ này thì không thể nào nói đến có được các mẫu mã sáng tạo, thời trang, không thể cạnh tranh với hàng các nước, càng không thể nói đến các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidad... Hiện tại, chỉ có một số rất ít nhân viên học mỹ thuật công nghiệp ra và làm việc tại các phòng kỹ thuật của doanh nghiệp, như công ty giày An Lạc, 32, Công ty Xuất nhập khẩu da giày Sài Gòn…
Đột phá để thoát khỏi lối mòn

Những năm gần đây, các doanh nghiệp da - giày đã từng bước chuyển đổi từ gia công sang tự sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có bộ phận thiết kế, phát triển sản phẩm và đầu tư dây chuyền sản xuất như Công ty TNHH Thái Bình, Công ty giày An Lạc, Nhà máy giày Phúc Yên, Công ty hữu Nghị, Thượng Đình, Thành Hưng... Mẫu mã của các doanh nghiệp này thiết kế đã được khách hàng lựa chọn. Một số doanh nghiệp đã tạo dựng nhãn hiệu riêng có uy tín trong nước như VINA Giày, Biti’s, Bita’s, Thượng Đình, An Lạc…
Trong 5 năm trở lại đây, trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp 1 và và 2 được giao đào tạo các cử nhân công nghệ giày, mỗi năm ra trường từ 70-100 học viên. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của tổ chức ASSOMAC, Thương vụ Ý và Ủy ban EU, LEFASO đã tổ chức được 4 khóa thiết kế với trên 130 học viên từ các doanh nghiệp cử đi học. Số này đã có sự phát huy tương đối tốt trong việc thiết kế và phát triển sản phẩm ngành giày.
Một số thông tin về cuộc thi:
+ Chủ đề: NHỊP BƯỚC THỜI ĐẠI.
+ Thể loại: Tất cả các chủng loại giày dép với mẫu mã hiện đại thể hiện cuộc sống tự nhiên sinh động.
+ Đối tượng dự thi: Tất cả các cá nhân và tập thể trong và ngoài nước.
+ Thời gian: Nhận bài dự thi từ 15/6/2005 đến 15/8/2005; Chung kết và trình diễn, trao giải vào tháng 10/2005.
+ Giải thưởng: Cao nhất là giải nhất 20.000.000 đồng; Thấp nhất là giải khuyyến khích 1.000.000 đồng.
- Tác giả đoạt giải được cấp bằng chứng nhận “Nhà tạo mốt Việt Nam”.
Theo nhận định của giới sản xuất kinh doanh lĩnh vực này, hiện tại giày dép Việt Nam đã bắt đầu có những cơ hội thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, TGĐ Công ty TNHH Thái Bình (Thaibinhshoes), Phó Chủ tịch thường trực LEFASO và cũng là Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi thiết kế, hiện nay có thể không còn nhiều lo ngại từ phía Trung Quốc nữa.
Do áp lực dân số, gia đình Trung Quốc chỉ sinh 1 con, nên chọn hầu hết là con trai. Vì vậy sẽ thiếu lực lượng lao động trong các ngành tiểu thủ công nghiệp. Các đơn hàng của các nước đã có dấu hiệu đổ về Việt Nam ngày càng nhiều. “Có thể nói lúc này là thời cơ đã đến với ngành giày, chỉ sợ không đủ sức đáp ứng.” - ông Thuấn nói.
Hiện tại, các tập đoàn giày dép nước ngoài đã xem Việt Nam là sân sau của họ. Chất lượng cũng đã tăng lên. Một đơn vị giày của Đài Loan đã nhận gia công cho giày Thái Bình, đây là dấu hiệu lạc quan về sự lớn mạnh, một niềm vui của ngành giày Việt Nam.
Theo LEFASO, mục đích cuộc thi lần này là phát hiện và tôn vinh tài năng của các nghệ nhân Việt Nam trong lĩnh vực thời trang giày. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, Hiệp hội sẽ đào tạo và phát triển đội ngũ thiết kế nòng cốt, đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm giày dép lên một giai đoạn mới, không còn phụ thuộc vào mẫu mã của đối tác nước ngoài. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để chuyển đổi phương thức từ gia công sang tự sản xuất. Bên cạnh đó, cuộc thi sẽ giúp quảng bá ngành công nghiệp da giày Việt Nam, quảng bá mẫu mã và thương hiệu cho doanh nghiệp sản xuất giày trong nước ra quốc tế. Cuộc thi sẽ tạo ra hình ảnh thời trang chuyên nghiệp, một sân chơi sáng tạo kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành giày Việt Nam.
Ông Tổng giám đốc Thaibinhshoes cho biết: Những sản phẩm thiết kế mẫu mã tham gia cuộc thi sử dụng được trong sản xuất và xuất khẩu, nếu không có đơn vị nào sử dụng, Thái Bình sẽ mua, và sẽ trả cho tác giả 10% doanh số lượng giày bán ra.
Đặng Vỹ

Không có nhận xét nào: