10 tháng 11, 2007

Khái quát về ngành da giày Việt Nam

Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đã phát triển rất nhanh và được xem là một trong những ngành công nghiệp chính đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển. Da giày là một trong 3 ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay sau dầu thô và dệt may, chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với khoảng 240 doanh nghiệp đang hoạt động, ngành da giày đang là một ngành xuất khẩu mũi nhọn, thu hút khoảng 500.000 lao động.
Trước khi mở cửa nền kinh tế vào những năm 1990, ngành da giày Việt Nam chủ yếu may mũi giày để xuất sang Liên bang Xô Viết nhưng chất lượng không cao và chủng loại ít. Khi đó ngành da giày Việt Nam phải đối mặt với cuộc khủng hoảng gay gắt do không có nhà nhập khẩu. Nhờ chính sách cải cách của chính phủ Việt Nam, nhiều liên doanh với các đối tác nước ngoài được thành lập và ngành da giày bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Hiện ngành giày da Việt Nam đứng thứ tư trong số 8 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hồng Kông và Italia, thế nhưng 90 % sản phẩm của giày da Việt Nam là hàng gia công. Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày vẫn đạt mức tăng trưởng đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện ngành này đang phải đối mặt với bài toán hóc búa về thương hiệu, chiến lược phát triển và đang mất dần lợi thế.
Các doanh nghiệp nội địa ngành da giày Việt Nam có 3 bất lợi lớn: Thứ nhất là không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phụ thuộc vào khách hàng và các nhà cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Thứ hai, công nghệ yếu nên không có sức cạnh tranh và doanh nghiệp phải làm gia công cho các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài là chính. Và cuối cùng là do công tác xúc tiến thương mại kém, nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất làm gia công ở tầng thứ 2, thứ 3. Như vậy, cái gọi là sức cạnh tranh, tiềm lực mạnh của ngành da giày thực ra đều thuộc về các công ty lớn của Đài Loan, Hàn Quốc đặt tại Việt Nam. Chính họ đã khai thác các lợi thế về lao động, môi trường xã hội ổn định, giá nhân công rẻ...vv của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, trên 70% các doanh nghiệp xuất khẩu lớn là công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Do đó những doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào các đối tác của họ về thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm, nguồn cung cấp nguyên liệu thô, phụ liệu và thị trường.
Theo bộ Công nghiệp, mỗi năm nước ta vẫn phải nhập 6 triệu feet vuông da thuộc. Nhà máy thuộc da chưa đáp ứng được 10% nhu cầu và hiện chỉ hoạt động được 25% công suất do thiếu nguyên liệu. Hàng năm, Việt Nam chỉ có thể cung cấp 5000 tấn da bò và 100 tấn da trâu nhưng nguồn nguyên liệu nội địa không được tận dụng và giá trị xuất khẩu thấp. 60% nguồn da này được xuất sang Trung Quốc và Thái Lan, phần còn lại thì không đủ tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Vì thế mỗi năm Việt Nam chi từ 170 tới 230 triệu USD để nhập da giả và từ 80 tới 100 triệu USD để nhập da từ Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ngoài ra, trong số 30% công ty Việt Nam tham gia vào sản xuất da giày lại có tới 70% làm gia công vì thế giá trị lợi nhuận đích thực mà ngành này mang lại không lớn. Và chưa đến 20 doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đủ sức làm hàng dạng FOB. Doanh số xuất khẩu của ngành da giày tập trung chủ yếu ở những công ty nước ngoài như Samyang, Pouchen, Pouyuen...Giày vải, mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng bị hàng của Trung Quốc chiếm chỗ và Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu là hàng thể thao, giày dép, hài đi trong nhà.
Theo các chuyên gia, ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp nội địa chưa phát huy được tiềm lực, thậm chí đang mất dần những lợi thế đã có. Trước ngưỡng cửa hội nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như ngành dệt may, các doanh nghiệp sản xuất giày đang phải đối mặt với bài toán hóc búa về cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Hội chợ Fashion First năm 2004 có 50 nước tham dự, nhưng không có Việt Nam, mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước xuất khẩu lớn. Do da giày Việt Nam chủ yếu là hàng gia công lại cho các hãng khác của nước ngoài, nên phải lấy tên hiệu của các hãng này. Tiềm năng của ngành da giày Việt Nam không kém các nước mạnh về ngành công nghiệp này, nhưng bài toán quan trọng về phân công, cơ cấu sản xuất và lao động lại chưa giải quyết được. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu giày da Việt Nam vào thị trường thế giới trên 2 tỷ USD, nhưng lượng giày của các chủ doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% đến 15%. Da giày Việt Nam trên thế giới chưa có tên, thương hiệu cũng là một khó khăn lớn trong cạnh tranh.
Tại hội chợ Duseldorf tại Đức năm 2004, Hiệp hội da giày Việt Nam có 11 gian hàng. Tuy nhiên theo nhận định, sự tiến bộ ấy xem chừng không thấm vào đâu so với sự có mặt ồ ạt của các DN Trung Quốc. Trong đợt này, Trung Quốc tham gia trên 200 gian hàng. Mẫu giày Việt Nam hầu như na ná nhau, giá lại cao hơn của Trung Quốc 20-30%. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải hạ đơn giá hàng để tìm hợp đồng.
Hiện nay, giày Trung Quốc tung hoành từ Nam chí Bắc. Các loại giày Trung Quốc chiếm phần lớn là giày thể thao (bằng vải hoặc bằng cao su đúc nguyên khối), kế đến là giày thời trang nam và nữ giả da lót simili và một số ít dép xốp đi trong nhà bằng cao su mềm (EVA). Giày Trung Quốc nhìn rất bắt mắt, màu sắc trẻ trung, giá lại mềm.
Mặc dù hàng Trung Quốc chất lượng thật sự không cao, nhưng với tốc độ ra mẫu mới liên tục vẫn thu hút được người tiêu dùng. Thường chỉ cách vài ngày là có mẫu mã mới trong khi hàng trong nước cả tháng vẫn không có mẫu mới nào.
Điểm yếu của các công ty giày Việt Nam là chưa có sự định hướng rõ rệt, chưa tạo được dấu ấn cho thương hiệu của mình dẫn đến người tiêu dùng có nhận thức khá mơ hồ về các thương hiệu. Trong khi giày trong nước chỉ mãi loay hoay với ba màu da chủ đạo là nâu, đen hoặc nửa nâu nửa đen thì Trung Quốc chọn loại giả da simili tha hồ phối màu, muốn màu nào cũng có. Một mẫu giày trong nước thường chỉ có 3-4 màu, kiểu dáng chừng năm kiểu là hết. Nhưng với giày Trung Quốc màu sắc không dưới 10 và kiểu thì phải trên số chục.Giải bài toán giá cả sẽ không dễ khi điểm yếu muôn thuở của ngành da giày trong nước là không có nguồn nguyên phụ liệu tự túc, hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu.
Nếu thất bại ngay trên sân nhà, thì da giày Việt Nam khó có thể cùng bắt tay nhau cạnh tranh trên sân khách. Năm 2005 là năm ngành giày da Trung Quốc được tháo gỡ rất nhiều trói buộc khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU), đặc biệt là chế độ hạn ngạch. Trong khi đó, mặt hàng giày dép từ Việt Nam xuất khẩu có khả năng sẽ bị xem xét lại để cắt giảm chế độ ưu đãi về thuế. Điều này sẽ đặt ngành giày Việt Nam trước một thử thách lớn, thậm chí sống còn.
Sản lượng giày dép Việt Nam 2002-2005
Loại sản phẩm
Đơn vị
2002
2003
2004
2005
Giày dép các loại:
1.000 đôi
360.000
416.644
430.000
598.000
Cặp túi xách:
1.000 chiếc
33.700
35.000
37.000
115.000
Da thành phẩm:
1.000 sqf
25.000
32.000
35.000
43.700
Nguồn: Hiệp hội Da Giày Việt Nam

Không có nhận xét nào: