27 tháng 6, 2007

Công ty giày đầu tiên bán cổ phần

Ngày 12/3/2007, Công ty Cổ phần Giày An Lạc (AFC) sẽ tổ chức bán cổ phần ra bên ngoài tại sàn chứng khoán Tp.HCM.
Nhà đầu tư nên xem xét kỹ thông tin do công ty công bố trước khi tham gia mua cổ phiếu của Giày An Lạc. Sau đây là một số thông tin chủ yếu do công ty công bố.
Công ty Cổ phần Giày An Lạc, vốn điều lệ 18,374 tỷ đồng, tương đương 1.837.430 cổ phần (cổ phiếu), mệnh giá mỗi cổ phiếu 10.000 đồng, loại cổ phiếu bán là cổ phiếu phổ thông, hạn chế chuyển nhượng 2 năm kể từ ngày sở hữu cổ phiếu.
Số lượng cổ phần bán ra bên ngoài là 960.330 cổ phiếu, giá khởi điểm 10.100đồng/cổ phiếu. Giới hạn đăng ký: Cá nhân tối thiểu 100 cổ phiếu, tối đa 30.000 cổ phiếu, pháp nhân tối thiểu 100 cổ phiếu, tối đa 50.000 cổ phiếu. Thời gian đăng ký từ ngày 26/2/2007 đến hết ngày 2/3/2007 tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoàng Gia (ROSE) và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Thuận lợi của giày An Lạc Từ 01/01/2006 Công ty Giày An Lạc cổ phần hoá xong chuyển thành Công ty Cổ phần Giày An Lạc với vốn điều lệ theo giấy phép đăng ký kinh doanh là 77,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 64%, tương đương 49,549 tỷ đồng.
Đầu năm 2006, theo Quyết định của Bộ Công nghiệp, Công ty Giày An Lạc đã giảm vốn đi 5,9 tỷ đồng, chuyển cho Tổng công ty Da giày Việt Nam, vốn điều lệ giảm còn 71 tỷ đồng. Sau đó, do tình hình sản xuất gặp khó khăn, không thể đảm bảo cổ tức cho cổ đông và mức lãi trên vốn của Nhà nước giao cho nên công ty đã xin giảm vốn điều lệ.
Theo Công văn số 5498/BCN-TCKT ngày 2/10/2006 của Bộ Công nghiệp, công ty điều chỉnh giảm vốn Nhà nước từ 43,6 tỷ xuống còn 9,6 tỷ đồng. Đồng thời với giảm phần vốn Nhà nước, công ty cũng giảm vốn của các cổ đông hiện hữu 19 tỷ đồng. Công ty đang làm thủ tục để điều chỉnh giảm vốn điều lệ còn 18,374 tỷ đồng theo quy định. Cơ cấu vốn điều lệ của công ty tại thời điểm hiện nay: Vốn điều lệ 18.374.300.000 đồng, trong đó: Cổ đông là cán bộ - nhân viên trong công ty nắm giữ 47,74%, Nhà nước nắm giữ 52,26%.
An Lạc chuyên sản xuất các sản phẩm từ da, giả da, vải với sản phẩm chính là giầy, dép, túi xách, cặp da các loại, xuất nhập khẩu trực tiếp và kinh doanh mặt hàng may mặc.Giày An Lạc đã nỗ lực vượt khó để duy trì được sản xuất và vẫn có lãi, công ty đã và đang nỗ lực tìm thị trường mới cho mặt hàng của công ty.
An Lạc có bề dày hoạt động trong ngành giày dép (trên 30 năm), tạo lập được mối làm ăn lâu dài với các đối tác từ nhiều năm nay, đặc biệt là gia công hàng cho các khách hàng truyền thống (các hãng giày của Hàn Quốc).
Khó khăn của da giày Việt Nam và An Lạc Bắt đầu 1/01/2007, Việt Nam sẽ bắt đầu bị áp thuế nhập khẩu do thua kiện trong vụ kiện chống bán phá giá của Da giày Việt Nam. Do vậy, ngành giày mũ da của Việt Nam sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các mặt hàng da giày của Thái Lan và Trung Quốc.
Thị trường Mỹ là một trong những thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp giày Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Hải quan Mỹ giày dép Việt Nam chỉ chiếm gần 3% tổng giá trị nhập khẩu giày dép của Mỹ. Việc kiện chống bán phá giá giày dép mũ da vào thị trường EU sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp da giày Việt Nam nói chung và của Giày An Lạc.
Trong năm 2006, An Lạc có nhiều đơn đặt hàng giày mũ da nhưng đến năm 2007 thì tình hình khó khăn hơn vì không cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoài nước sau khi việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực.
Chi phí cho sản xuất tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng cao, trong đó chủ yếu là giá nguyên phụ liệu cho sản xuất nhưng giá bán thành phẩm không tăng và có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty giày An Lạc. Mẫu mã của công ty bị phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, do chủ yếu gia công theo mẫu mã do nước ngoài đặt hàng.
Bộ phận thiết kế của công ty yếu và thiếu nên hầu như chưa phát huy được vai trò chủ động trong việc thiết kế, sáng tạo mẫu mã của riêng công ty.
Cơ sở hạ tầng của công ty được xây dựng từ những năm đầu thập kỷ 90 do đó hiện tại đã trở nên chật hẹp và xuống cấp. Điều này gây khó khăn cho công ty trong việc cạnh tranh tìm kiếm những khách hàng có tiềm năng lớn.
Việc kiện chống bán phá giá giày mũ da của EU đối với ngành da giày Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Giày An Lạc trong những năm tới, đặc biệt từ năm 2007 sản lượng sẽ giảm rất mạnh do sản phẩm giày, dép mũ da bị áp thuế chống bán phá giá và các đối tác nước ngoài sẽ chuyển đơn đặt hàng gia công ra các nước khác.
(theo vneconomy)

Không có nhận xét nào: