25 tháng 6, 2007

khoá đào tạo về thiết kế mẫu và phát triển sản phẩm.

Thiết kế là một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp da giày Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng, điểm yếu này cần được khắc phục, nếu không, các sản phẩm da giày Việt Nam khó lòng cạnh tranh được trên thị trường cả trong và ngoài nước. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Trần Thị Minh Thư, Giám đốc Trung tâm Mẫu và Đào tạo, Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam về các chương trình đào tạo thiết kế mẫu của Trung tâm.

Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành da giày Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ ngành da giày ngày càng cao để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng trở ngại lớn nhất chính là thời gian và kinh phí cho các khoá đào tạo, đặc biệt là các khoá đào tạo về thiết kế mẫu và phát triển sản phẩm. Do đó, ngoài việc tổ chức các chương trình đào tạo, Trung tâm Mẫu và Đào tạo của Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam đang cố gắng củng cố năng lực để kịp thời đáp ứng nhu cầu về chất lượng của các khoá đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các cá nhân quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực của chính bản thân doanh nghiệp và của toàn ngành da giày. Thưa bà, Trung tâm Mẫu và Đào tạo vừa tổ chức bế giảng khoá đào tạo thiết kế mẫu giày dép thời trang. Điểm đặc biệt của khoá đào tạo này là gì? Thực hiện chương trình đào tạo trong khuôn khổ Nhóm công tác phát triển sản phẩm năm 2007 thuộc Dự án VIE 61/94 của Cục Xúc tiến thương mại về phát triển sản phẩm tại Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam phối hợp với Trung tâm Mẫu và Đào tạo - Viện Nghiên cứu da giày vừa tổ chức thành công khoá đào tạo “Nâng cao năng lực thiết kế tạo dáng thời trang sản phẩm giày dép” cho các doanh nghiệp, các tổ chức ngành da giày, các làng nghề. Điểm đặc biệt của khoá đào tạo này là các học viên tham dự đã được mở rộng sang cả đối tượng giảng viên, học viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có chuyên môn sâu trong lĩnh vực thiết kế, công nghệ nói chung và công nghệ giày dép nói riêng (như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp I Hà Nội...) với mục đích nhân rộng lực lượng thiết kế, đảm bảo tính bền vững của dự án. Các đối tượng này sẽ là những giảng viên thiết kế giày dép trong tương lai và cùng phối hợp với các doanh nghiệp đưa công tác phát triển sản phẩm của ngành da giày lên một tầm cao mới.

Những nội dung chính được đào tạo có gì mới để phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực ngành da giày cũng như phục vụ cho chiến lược hướng ra xuất khẩu của ngành so với các khoá đào tạo trước đây?

Trong khuôn khổ chương trình công tác của Nhóm công tác phát triển sản phẩm và rút kinh nghiệm từ khoá đào tạo đã thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2006, khoá đào tạo tại Hà Nội lần này được tổ chức có sự tham gia của giảng viên là chuyên gia đến từ Tổ chức PISE (Italia). Đây là cơ hội lớn cho các nhà thiết kế trong lĩnh vực giày dép của khu vực phía Bắc tiếp cận với phương pháp thiết kế và công nghệ triển khai các mẫu mốt từ đất nước có công nghệ thiết kế và sản xuất giày dép đứng đầu thế giới hiện nay. Nội dung chương trình khoá đào tạo được kết hợp giữa người xây dựng chương trình và chuyên gia thiết kế, giữa nhu cầu và trình độ của học viên nên nội dung bài giảng mang tính thực tế cao và giúp cho học viên nâng cao kiến thức trong lĩnh vực thiết kế tạo dáng thời trang sản phẩm giày dép. Nhìn chung, sau khoá học, các học viên đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức về phương pháp thiết kế phát triển sản phẩm trên cơ sở kết hợp 3 yếu tố cơ bản liên quan đến quy trình thiết kế “phom - đế gót – mũ giày” từ chuyên gia nước ngoài và cả những bí quyết trong công tác thiết kế giày dép. Từ đó, sớm đưa các sản phẩm của các nhà thiết kế tiến gần hơn đến với những yêu cầu của sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng hơn nữa với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Việc thường xuyên bổ sung, cập nhật những kiến thức về thiết kế mẫu thời trang cũng là một điều kiện cần để đảm bảo tính bền vững của nguồn nhân lực thiết kế. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

Đúng vậy, để hoàn thiện kỹ năng và trình độ thiết kế, các học viên cần có thời gian thực hành trong sản xuất và tiếp tục được tham dự các khoá đào tạo mới, giúp nâng cao trình độ hiểu biết về mỹ thuật, kỹ thuật, nguyên liệu, thị trường... nhằm trang bị những kiến thức liên quan không thể thiếu trong quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm. Có như vậy mới từng bước góp phần vào việc thúc đẩy tạo ra những sản phẩm có khả năng xuất khẩu cho ngành da giày Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề nghị Dự án VIE 61/94 tiếp tục hỗ trợ nhằm duy trì đều đặn các khoá đào tạo trong các năm tiếp theo với nhiều nội dung thiết thực và phong phú hơn nữa. Là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp, Trung tâm mẫu và đào tạo sẽ rút kinh nghiệm và tiếp thu các ý kiến đóng góp, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của ngành da giày trong lĩnh vực đào tạo, thiết kế và phát triển sản phẩm.

1 nhận xét:

canary nói...

Có thể cung cấp cho tôi một vài địa chỉ dạy thiết kế giày không ? Xin chân thành cảm ơn!